Đôi guốc mộc nhỏ bé là một vật dụng gắn bó mật thiết trong đời sống của người Việt Nam. Cũng như áo dài và nón lá, đôi guốc mộc bé nhỏ, đơn sơ là thế mà đã in dấu bền bỉ suốt hàng ngàn năm trong hành trang văn hóa dân tộc, tạo nên một vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Song song hai chiếc thuyền tình
Đầu rồng đuôi phượng đóng đinh hai hàng
Một chiếc em chở năm chàng
Hai chiếc em chở mười chàng ra đi
Trách người quân tử lỗi nghì
Ăn trên ngồi trốc chẳng nghĩ gì đến em!
Nguồn gốc và sự độc đáo của guốc mộc Việt
Khó có thể định rõ mốc ra đời cũng như chủ nhân đã sáng tạo nên di sản văn hóa giản dị, mộc mạc này nhưng chắc đó là sản phẩm văn hóa do người Việt sáng tạo nên từ rất xa xưa. Truyền thuyết dân gian “Chín chúa tranh ngôi” của Cao Bằng hay sách cổ Giao Châu ký của Trung Quốc (thế kỷ III) đã nhắc đến đôi guốc.
Trước khi có các loại giày, dép bằng nhựa, bằng da như hiện nay, người Việt thường dùng tre, gỗ để làm guốc đi. Hình ảnh áo the, khăn xếp, đôi guốc mộc đã thành quen thuộc với người dân Việt. Vào những ngày giá rét, phụ nữ và đàn ông khi dự hội hay vào đám thường đi guốc gộc tre, còn trong nhà thì đi guốc gỗ mũi cong, quai tết bằng mây.
Từ đôi guốc bằng gộc tre, quai mây cốt để bảo vệ đôi chân khỏi mưa nắng thuở ban sơ, đến các loại bằng gỗ trong vườn nhà như de, mỡ, dàng dàng rồi mít, tràm, cao su, xoan, thông… những người thợ tài hoa đã không ngừng cải tiến về kiểu dáng và chất liệu để đôi guốc ngày càng bền hơn, gọn và có tính thẩm mỹ hơn.
Quai guốc thay đổi từ dây mây sang vải rồi cao su và để có được một chiếc guốc hoàn chỉnh, đôi bàn tay của người thợ phải rất kỳ công, từ khâu cưa lộn mặt để ra hình thù chiếc guốc đến xử lý gỗ, tiếp đó là chà nhám, sơn, đánh bóng, vẽ, đế, quai…
Guốc mộc cấu tạo đơn giản, bất cứ ai, dù hoàn cảnh nào đều có thể lựa cho mình một đôi guốc phù hợp. Người nghèo đi guốc gỗ xoan, mỡ, dàng dàng mộc mạc với một chiếc quai bằng da trâu vắt từ bên này qua bên kia và thân guốc chỉ được đẽo đơn giản cho vừa bàn chân. Những bậc giàu sang quyền quý thì guốc không đơn thuần chỉ là vật dụng để bảo vệ đôi chân mà nó thực sự trở thành một thứ phục trang để tôn thêm phong cách, biểu đạt gu thẩm mỹ của chủ nhân. Họ thường dùng guốc gỗ mít, gỗ tràm hương hay gỗ thông có sơn son thếp vàng, khảm trai, bịt quai gấm, đế lót cao su mỏng để bước đi thêm quý phái, thanh cảnh…
Lộc cộc khắp ngõ dưới làng trên, đôi guốc mộc đã thành một dấu ấn thiêng liêng khó phai mờ trong tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt. Từ tiếng guốc loẹt quẹt của mấy cụ già mắt kém; tiếng guốc khua chẵn nhịp, đĩnh đạc của ông đồ; đến tiếng thả bước lách cách, thẹn thùng của các chị, các cô rồi tiếng guốc vang rộn ràng, huyên náo của lũ trẻ hiếu động… tất cả tạo nên hơi thở thân quen của cuộc sống làng quê tự bao đời.
Từ truyền thống đến hiện đại
Từ cuối thế kỷ XIX, guốc mộc mới trở nên thịnh hành và bắt đầu có những thay đổi rảnệt về kiểu dáng và chất liệu. Đôi guốc mộc đã được gọt đẽo thanh thoát hơn bởi những người thợ tài hoa. Quai guốc thay đổi từ dây mây sang vải rồi cao su, đế đệm miếng cao su mỏng nên bước chân của chị em êm ái, mơ màng hơn. Khoảng những năm 40 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện những đôi guốc sơn màu sắc sặc sỡ, nhất là dành cho phụ nữ và phải đến sau năm 1975, guốc mộc thực sự bước vào một cuộc cách mạng về kiểu dáng và chất liệu, khẳng định là thời trang ưu ái cho phái đẹp, cùng với váy áo. Guốc mộc đã vượt qua khuôn khổ của “mộc” và sự đơn điệu về kiểu dáng với sự xuất hiện của chất liệu nhựa…
Từ sản phẩm “tự cung tự cấp” đến sản phẩm hàng hóa, đôi guốc mộc đã đi một bước dài trong lịch sử, kéo theo sự ra đời của nghề làm guốc, nổi tiếng với làng nghề Bình Nhâm (Thuận An, Bình Dương), Làng Đơ Đồng (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), Kẻ Giày (Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội). Đôi guốc bé nhỏ là thế nhưng là sự hội tụ tinh hoa của các làng nghề mộc, sơn mài, tơ lụa, đính hạt thêu tay… Đôi bàn chân chị em lung linh, được nâng niu hơn vì sự biến đổi linh hoạt của guốc.
Ý nghĩa của đôi guốc mộc Việt
“Tôi chọn guốc mộc cho con mình để các con biết đến những nét văn hóa của quê hương Việt Nam. Không ngờ các con vô cùng thích thú vì sự mới lạ và những hình ảnh dễ thương được vẽ trên guốc, con tôi còn đòi mua nhiều để đem sang nước ngoài”, chị Trịnh Anh Thư chia sẻ khi vừa về Việt Nam được 1 tuần sau nhiều năm định cư ở Canada.
Còn Kiều Thị Thảo My mải mê chụp hình những đôi guốc mộc và vui vẻ nói: “Tôi bị thu hút bởi màu sắc sặc sỡ và dáng vẻ trông rất chắc chắn của guốc mộc. Tết năm nay nhất định tôi sẽ thêm một đôi vào kệ giày của mình để diện với áo dài hay váy đầm, sau đó sẽ giữ lại làm kỷ niệm”.