Cây Tre trong tâm thức người Việt

Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, hình ảnh cây tre luôn gắn bó với người dân Việt Nam. “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín…” Tre hiên ngang, bất khuất, kiên cường trước phong ba bão tố, trước những thử thách, khó khăn, cũng bởi vì vậy, tre luôn là biểu tượng cho những phẩm chất cao đẹp, đáng quý của người dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, tre còn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác văn thơ và những thiết kế kiến trúc đầy tính nghệ thuật nhưng cũng rất hữu dụng của dân gian xưa và nay.

Tre xanh,

Xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa…đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi?

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một làng quê để mà thương, mà nhớ – ấy là nơi ta “chôn nhau cắt rốn” và xưa kia là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình cùng lũy tre làng thân thương, gắn bó với người Việt Nam “ăn đời ở kiếp”. Những hình ảnh tinh túy nhất của đời người ấy được ông bà, cha mẹ truyền lại qua lời ru ta trong chiếc nôi tre, từ “cái cò, cái vạc, cái nông” đến “bầu ơi thương lấy bí cùng” và cả những câu ca dao thấm đẫm mồ hôi “một nắng hai sương” của bà, của mẹ. Những ai đã từng sinh ra, lớn lên từ lũy tre làng chắc hẳn đều có những hồi ức đẹp về quê làng như thế… Trong lũy tre làng không chỉ là nơi định cư của nhân dân, mà còn là nơi lưu giữ cội nguồn văn hóa dân tộc, với những thuần phong mỹ tục, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cây Tre trong tâm thức người Việt

Hình ảnh cây tre mảnh mai, gầy guộc nhưng dẻo dai, vững chắc từ lâu đã đi vào văn chương, nghệ thuật bằng những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho dáng vẻ, tính cách, tâm hồn và phẩm chất cao quý của người nông dân – những người dân đất Việt vừa mềm mại, thanh cao, vừa ngay thẳng, kiên cường lại bao dung nhân hậu, vừa siêng năng cần cù lại gan góc trường tồn trước mọi thử thách nguy nan.

Trên khắp dải đất hình chữ S này, từ miền xuôi đến miền ngược đâu đâu cũng có họ hàng nhà tre, tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy, từng rặng, trùng trùng điệp điệp. Và ở Vĩnh Phúc ngày nay rất nhiều làng quê vẫn được bao bọc bởi những lũy tre. Tre làm nên giá trị kiên cố như một thành trì bảo vệ làng xóm. Không ai biết cây tre có từ bao giờ, chỉ biết rằng lũy tre đã đứng vững trãi như vậy từ hàng ngàn năm trước, từ vó ngựa của Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân, đến các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tre là thứ vũ khí lợi hại góp phần chiến thắng quân thù. Không chỉ có tác dụng to lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, tre làng còn là công cụ hữu hiệu trong các cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống lại sự khắc nghiệt của thiên tai, để bảo vệ và phục vụ cuộc sống.

Trước đây, tre từng là loại vật liệu thân quen, được ưa thích trong mỗi gia đình, trong xây dựng, tre dùng để làm cột, kèo, liếp nhà. Lạt tre dẻo mềm, bền chặt là loại dây cột phổ biến nhất trước dây. Cây tre cũng còn dùng để làm cầu, sào, thuyền, hàng rào rất bền chặt, hay làm các đồ vật như bàn ghế, chõng tre, giường tre, đũa ăn cơm. Ngày nay, tre không được dùng phổ biến vì đã có rất nhiều vật liệu thay thế, xong đi bất cứ đâu, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh cây tre và các vật dụng làm từ tre hiện diện trong cuộc sống hang ngày than thương và gần gũi.

 

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng của người dân trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, đã có những làng nghề sản xuất công cụ và vật dụng bằng tre và trở thành những làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc như: đan lát ở xã Triệu Đề, làm giát giường ở xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, đan sọt ở xã Tam Đồng, huyện Yên Lạc, đan cót, đan nong ở xã An Tường, huyện Vĩnh Tường… Tuy chỉ là những nghề phụ, phát triển nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, nhưng các làng nghề này đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân địa phương. Không chỉ có giá trị về kinh tế, cây tre đã và đang đi vào các giá trị sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng trong các dịp lễ hội bằng các đạo cụ trong một số trò diễn dân gian.

Dưới đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo tinh tế của người dân, tre lại hóa thân để dệt nên những giai điệu đồng quê sâu lắng, thiết tha qua tiếng sáo, tiếng đàn. Các đạo cụ, nhạc cụ được làm từ tre trong biểu diễn nghệ thuật rất phong phú và đa dạng.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm từ tre rất đa dạng về chủng loại, hình thức, kiểu dáng, phong phú về giá trị sử dụng, kinh tế như: bàn, ghế, rổ, rá, lọ hoa, vỏ đựng thức ăn, đũa, vỏ bút,… Bên cạnh vẻ đẹp thô mộc vốn có, các mẫu thiết kế nội thất bằng tre còn mang đến vẻ đẹp hiện đại, phù hợp với phong cách sống hiện nay.

Từ tình yêu sâu lắng với cây tre, hiện nay nhiều kiến trúc sư Việt Nam đã đi sâu khai thác những ưu điểm của cây tre là: vật liệu địa phương dễ tìm kiếm, thi công lắp đặt dễ dàng, đặc biệt, tre chịu được tác động nhiều hơn so với gỗ… để áp dụng vào các công trình xây dựng từ nhà hàng, khu nghỉ dưỡng đến nhà ở.

Với những giá trị về kinh tế, văn hóa, quân sự và cả giá trị sử dụng trong đời sống, cây tre đã thể hiện tính ưu việt của nó – cũng như những nét đẹp trong cốt cách, tâm hồn của người dân Việt Nam.

Cuộc sống phải chăng sẽ bớt dần đi những điều thú vị bởi sẽ không còn cái khung cảnh “bóng tre trùm mát rượi” trong những buổi trưa hè đầy nắng và gió, khi những biệt thự, nhà tầng mọc lên san sát từ thành thị đến nông thôn trong thời kỳ đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Vấn đề đặt ra không chỉ cho hôm nay và cho cả mai sau: làm sao chúng ta vừa phát huy được những giá trị văn hóa hiện đại, nhưng cũng không làm mai một đi nét đẹp văn hóa truyền thống, để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đàn bản sắc dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *