Họa tiết chăn con công gắn liền với thế hệ bao người có gì mà lại hấp dẫn phái đẹp đến vậy!

“Báu vật gia đình” của người Việt thời bao cấp trở thành xu hướng được giới trẻ Việt hiện nay rất yêu thích.

Chăn con công – Có ai còn nhớ không ?
Đó từng là những báu vật, tài sản lớn của mỗi gia đình trong thời bao cấp, mà phải dành dụm, nhịn ăn nhịn tiêu trong một thời gian dài mới có được. Thậm chí các đôi vợ chồng mới cưới còn được “thừa kế” chiếc chăn này từ bố mẹ như một món quà quý giá.


Thời kỳ bao cấp những năm 70, 80 vào thế kỷ trước, chăn con công được xem là một món đồ xa xỉ trong gia đình người Việt. Chỉ có những gia đình khá giả mới có thể mua được một tấm chăn công sặc sỡ với giá khoảng 2 chỉ vàng thời kỳ đó để đắp ấm trong những ngày mùa đông lạnh giá. Đó là một trong những “tài sản” quý mà nhà nào cũng cố gắng “tậu” cho bằng được là một cái vỏ chăn bằng vải hoa Trung Quốc. Có hai loại mà dân tình ưa chuộng là vải in hình những bông hoa rất to, giống như hoa phù dung và vải in hình con công – thường gọi là chăn con công, cả hai loại này đều có màu đỏ là chủ đạo. Riêng vải con công lại có nhiều loại: một công, hai công (có hai con công trống và mái âu yếm nhau), bốn công (tức bốn công đang tạo dáng)… Mỗi cái vỏ chăn hồi ấy, có lúc trị giá đến hàng chỉ vàng, và nhà nào có chăn con công thì thôi rồi, giữ gìn, cất giấu cho thật cẩn thận. Và cũng hồi ấy, rất nhiều vụ trộm lẻn vào nhà chỉ lấy đi mỗi cái vỏ chăn con công làm gia chủ bần thần cả tháng giời. Ở rừng, hôm nào trời nắng ráo, ấm áp là y như rằng, cả làng đỏ rực lên vì nhà nhà mang chăn ra phơi.

Cùng với sự phát triển của văn hóa, xã hội và xu hướng, những tấm chăn con công ngày càng khan hiếm và thậm chí còn bị xem là “cổ lỗ sĩ”, “quê mùa”. Qua thời gian, hình ảnh chăn con công chỉ còn là một trong những biểu tượng của thời kỳ bao cấp mà những thế hệ các cụ ông cụ bà vẫn xem đó là “báu vật gia đình” và người ta chỉ có thể bắt gặp hình ảnh này trong các phòng trưng bày để tưởng nhớ một thời kỳ bao cấp đầy khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giới trẻ Việt lại bất ngờ tìm đến những tấm vải họa tiết con công để tạo nên những thành phẩm hoàn cổ rất ấn tượng. Sự trở lại của họa tiết con công có thể được giải thích bằng sự phổ biến của xu hướng vintage đang rầm rộ.

Chăn con công cho những bạn trẻ hoài cổ

Điều đặc biệt là các bạn trẻ không sử dụng chăn con công để đắp, để làm đệm êm mà để trang trí cho những món đồ xinh xắn trong gia đình như làm vỏ đệm ghế, vỏ bọc cho cuốn sổ tay hay rèm cửa.

Tại Việt Nam, mô hình những quán cafe mang phong cách cổ điển ngày càng mọc lên như nấm và đặc điểm chung của những quán cafe này là sử dụng tấm vỏ chăn con công để trang trí trên chiếc ghế gỗ phủ màu quá khứ, tạo nên một không gian cổ điển, lãng mạn và đầy hoài niệm

Những tấm chăn con công đã trở lại, được sử dụng để làm vỏ gối, vỏ chăn rất bắt mắt
Những không gian đầy hoài niệm ngày càng thu hút các bạn trẻ tìm đến
Guốc mộc được may bằng cách bọc vải chăn công ấn tượng

Rầm rộ thời trang họa tiết chăn công

Chưa bao giờ họa tiết chăn con công lại sống dậy mạnh mẽ như mùa hè năm nay. Điều đặc biệt là, giới trẻ sử dụng chất liệu này để làm nên những trang phục rất thời trang và bắt mắt. Họ biến tấu với đủ kiểu dáng và cả phụ kiện khác nhau.

Vải chăn con công được dùng để làm áo dài, thậm chí có những cô dâu còn táo bạo chọn áo dài cưới từ họa tiết chăn công. Bên cạnh đó, nó cũng là chất liệu tạo nên các trang phục mang phong cách cổ điển như áo cổ tàu, áo sơ mi hay trang trí các món phụ kiện như túi xách đeo vai, giày thể thao.

Giá thành của vải chăn con công giao động từ 100 nghìn đồng một mét vải khổ 1,5m và được bán ở những chợ vải lớn như chợ Hôm hay chợ Ninh Hiệp. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của vải họa tiết chim công là khá dày và thường mang đến cảm giác khá nóng nực.

Túi, ví, balo họa tiết chăn con công độc lạ và cá tính
Áo dài họa tiết chăn công khiến các cô gái trẻ rất thích thú
Với chất liệu dày dặn, áo khoác chăn công rất thích hợp với thời trang mùa đông

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *